Freitag, 15. Juli 2016

Aupair : Tại sao nên chọn. Được và mất ?

Hallo zusammen,
Lại nói về Aupair. Một năm Aupair trên nước Đức của mình cũng sắp trôi qua. Kỉ niệm thì vui có buồn có, nỗi nhớ nhà mỗi lần ốm cô đơn lẻ loi một mình cũng có. Những lần tưng tửng lang thang một mình nhiều vô số kể.
Nhưng mình chia sẻ ở đây , là những suy nghĩ của bản thân mình lúc làm Aupair, để các bạn cân nhắc kĩ hơn cho lựa chọn của mình.
Có lẽ phần lớn các bạn tìm đến chương trình Aupair vì muốn  đặt chân lên nước Đức, trau dồi ngôn ngữ, trao đổi văn hóa và làm quen với con người Đức. Xa hơn thì có bạn muốn sau Aupair tiếp tục con đường chinh phục nước Đức bằng học Đại học, học nghề. Tất nhiên nhìn nhận một cách khách quan, Aupair sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Còn gì tuyệt vời hơn  khi bạn được sống trong gia đình bản xứ, trải nghiệm văn hóa của họ, ngôn ngữ đến tự nhiên hàng ngày, và sau một năm các bạn sẽ có đủ hành trang để không còn bỡ ngỡ . Thế nhưng cái gì cũng có những mặt Được và Mất. Mình sẽ viết ngắn gọn theo quan điểm của mình, hoặc có những việc được nghe lại từ những bạn Aupair khác.



Bản thân mình trước khi sang Đức cũng phân vân rất nhiều giữa học Đại học và Aupair. Lúc đó mình có suy nghĩ đơn giản, là cố gắng sang Đức học tiếp Đại học. Thế nhưng con số chứng minh tài chính khiến mình chùn chân, bởi vì hơn 8000 Euro trong tài khoản không phải là con số ít với một gia đình bình thường như mình. Nếu đề cập, gia đình có thể lo được cho mình số tiền này, nhưng bởi vì mình biết thời gian đầu sang Đức bỡ ngỡ sẽ chưa thể tìm được việc làm thêm ngay, nên sẽ phải tiêu vào tiền của gia đình khá nhiều. Thế nên lúc đó mình quyết tâm chọn con đường Aupair. Và suy nghĩ cũng rất mộng mơ, rằng trong thời gian Aupair sẽ đi làm thêm , cộng với số tiền tiết kiệm từ Aupair sẽ để dành để xin học tiếp. mà không cần nhờ trợ giúp của gia đình. Chắc chắn có khá nhiều bạn cũng có suy nghĩ này.
Thế nhưng bắt đầu từ lúc sang Đức làm Aupair, thì mình nhận ra, tiết kiệm cũng không phải dễ. Bởi số tiền Aupair nhận được từ Gastfamilie không nhiều, chỉ là Taschengeld. Mặc dù Aupair không phải trả tiền ăn ở , thế nhưng sẽ có những khoản không tên khác phải chi. Ví dụ như bản thân mình, mùa đông đầu tiên mình phải sắm hầu như toàn bộ quần áo cho mùa đông, từ áo khoác mặc tuyết, tất, đến giầy . Có những đồ ở Việt Nam mang sang không phù hợp thời tiết nên mình không dùng đến. Ngoài ra còn những phí khác nếu bạn muốn mua đồ ăn vặt, muốn đi chơi với bạn bè ( tiền vé tàu , vé xe buýt ở đây cũng không hề rẻ ). Thế nên Taschengeld sẽ không được bảo toàn.
Còn về vấn đề đi làm thêm. Mình biết có bạn cũng là Aupair và cũng đi làm thêm, nhưng tất nhiên đó chỉ là làm chui, vì Visum Aupair không cho phép đi làm nên người Đức sẽ không nhận các bạn, chỉ có thể làm cho người Việt vào thời gian rảnh  Nhưng không phải ai cũng xin được. Như thành phố mình ở , không có người Việt sinh sống. Hơn nữa vấn đề thời gian cũng khó để bạn xin được một công việc làm thêm, vì thời gian làm việc của Aupair không cố định , mà phụ thuộc vào gia đình nhà Gast, và lũ trẻ. Như bản thân mình, bắt đầu làm việc từ 15 giờ khi 2 nhóc từ nhà trẻ về. Nhưng có những hôm chúng ốm thì mình sẽ đột nhiên phải làm thêm từ sớm. Hoặc ngày nghỉ trong tuần của mình cũng thay đổi , tùy thuộc vào lịch và kế hoạch của Gastfamilie. Thời gian không cố định nên để xin một việc làm thêm càng trở nên khó khăn. Mình đã hoàn toàn không làm thêm gì trong một năm Aupair.
Tuy nhiên mình cảm thấy khá hài lòng với 1 năm trải nghiệm này.

Vấn đề thứ hai nữa mà mọi người thường nghĩ đến , đó là khả năng tiếng sẽ tăng vượt trội khi sang Đức, vì bạn được sống , hòa mình với gia đình bản xứ. Tiếng Đức sẽ tự động được cải thiện. Điều này hoàn toàn sai lầm . Không có một điều gì tự đến khi bạn không nỗ lực. Kể cả có sinh hoạt trong gia đình người Đức, nhưng tin mình đi, hầu như các bạn sẽ chỉ nói những câu quen thuộc và đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày, được lặp đi lặp lại. Có thể phản xạ của bạn trong đời sống hàng ngày sẽ nhanh nhạy hơn, nhưng khi bị lệch khỏi chủ đề quen thuộc  bạn sẽ không hiểu mình đang nghe cái gì.
Vì thể không nên chờ đợi ngôn ngữ sẽ tự cải thiện, mà chúng ta nên chủ động cải thiện nó.  Mỗi Aupair đều có tivi để xem, đó là một cách hay để học tiếng. Hoặc các bộ phim tiếng Đức trên Internet. Nhà Gast mình có maxdome, một phần mềm lưu trữ rất nhiều bộ phim bằng tiếng Đức hoặc cả tiếng Anh, nên mình đều cố gắng mỗi ngày xem một tập phim trên đó. Ban đầu là phim lẻ, sau là các serie, như How I met your mother… Thậm chí cả các phim hoạt hình cho trẻ con, với ngôn từ đơn giản dễ hiểu, nên sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta nghe hiểu.
Còn đối với nhà Gast, thời gian đầu mình thường cố tìm những chủ đề mang tính thời sự, rồi mang ra nói chuyện hỏi han họ vào bữa ăn. Gasteltern đều bàn luận rất sôi nổi và nhiệt tình với mình. Không những học thêm được ngôn ngữ và còn biết thêm quan điểm của người Đức trước mỗi vấn đề nóng, như về tị nạn hoặc khung bố tại Pháp… Nhờ thế mà mình phát hiện ra người Đức không thích ngừoi Thổ Nhĩ Kì cho lắm, còn lí do là vì người Thổ thường sống theo cộng đồng riêng biệt mà không hề hòa nhập với văn hóa Đức….

Thi thoảng mình còn tự chạy ra ngân hàng , hỏi về giấy tờ các thứ. Họ đều tư vấn nhiệt tình, và lịch sự, còn mình thì được thêm cơ hội nói chuyện với ngừoi Đức. Chủ yếu là thay đổi môi trường giao tiếp, mình muốn kiêm tra xem bản thân đã đủ tự tin để giao tiếp với họ, trình bày đầy đủ ý kiến suy nghi của mình để họ hiểu hay chưa, nên lâu lâu lại làm cách này một lần ^^
Thế nên , kể cả là Aupair, sống trong gia đình người Đức, nhưng không tự ý thức trau dồi ngôn ngữ thì mình nghĩ sau một năm cũng không cải thiện tiếng được như chúng ta mong muốn. Việc học tiếng với trẻ con nhà Gast cũng là một ý không tồi, bởi vì trẻ con sử dụng những ngôn từ đơn giản hơn ngừoi lớn. Như nhóc nhà mình, mỗi lần mình không hiểu từ nào mà bé nói, thì mình hỏi lại, và bé giải thích cho mình theo kiểu rất ngô nghê và trẻ con, không hề khó hiểu. Có lúc mình phát âm sai, bé nhắc mình , và phát âm lại để mình nói cho đúng ( hầu như ngừoi lớn sẽ không làm điều này nếu bạn không nhờ họ sửa, bởi vì họ sợ làm thế sẽ khiến chúng ta ngại ).

Một điều mà mình thấy cũng là lợi ích to lớn của một năm Aupair. Sau Aupair, nếu bạn nào có dự định ở lại tiếp, học Đại học, học nghề… cũng sẽ đỡ vất vả hơn những bạn sinh viên chân ướt chân ráo mới sang từ Việt Nam. Như bạn mình , từ tìm và tự đi phỏng vấn , thử việc Ausbildung , không hề mất một chi phí nào . So sánh thì mình thấy được lợi ích rất lớn so với việc đi học nghề ở Việt Nam , phải bỏ ra một số tiền quá lớn cho trung tâm môi giới.

Ý cuối cùng về những cái lợi của Aupair mà mình không thể không đề cập. Bạn sẽ được trải nghiệm thực sự cuộc sống của ngừoi Đức như thế nào. Từ cách họ tổ chức party, hay những buổi cắm trại. Ngừoi Đức sẽ làm gì vào những ngày lễ, như Giáng Sinh, Năm mới, hoặc lễ Phục sinh… ? Ngừoi Đức sẽ chuẩn bị như thế nào khi khách đến chơi nhà, sẽ làm gì vào ngày sinh nhật. Tất cả trong 1 năm bạn sẽ được trải nghiệm đầy đủ, chưa kể đến những chuyến du lịch dịp Urlaub với nhà Gast hoàn toàn miễn phí. Bạn mình được đi Áo trượt tuyết , còn như mình tháng sau sẽ đi du lịch với nhà Gast ở Tây Ban Nha. Chỉ điều này thôi, mình cảm thấy đã rất tuyệt vời rồi J
Đây là cảnh nhìn ra từ cửa sổ phòng mình 




Tuy nhiên, là Aupair cũng có những mặt hạn chế nào đó. Điển hình là cảm giác lạc lõng trong một gia đình xa lạ. Dù cho nhà Gast có tốt như thế nào, thì đó vẫn không phải là gia đình bạn , không khỏi có những lúc bạn thấy cô đơn tại nơi này. Và sống trong một gia đình mới, bạn cũng phải tập thích nghi với cuộc sống của họ, sẽ không thoải mái như ở nhà với bố mẹ. Nhìn chung cảm giác đó rất khó tả, giống như kiểu bạn sẽ phải luôn để ý về thái độ và hành động của họ, vì theo một nghĩa nào đó Gastfamilie chính là “chủ” còn Aupair là “ngừoi làm thuê”. Và mọi người làm thuê đều phải làm hài lòng ông chủ.

Đó là những suy nghĩ và quan điểm dựa trên trải nghiệm cá nhân của mình. Tuy còn một vài điều chưa được nhưng mình nghĩ Aupair là một chương trình thực sự rất hay, mà nếu bạn nào có đủ kiên nhẫn và ước mơ chinh phục nước Đức , đó chính là một nền móng tốt và vững chắc  !!



Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen